Thực hiện chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt nam” và Chỉ thị số 2511/CT-EVNNPC của EVNNPC về việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2021-2022, ngay từ những ngày đầu năm, toàn thể CBCNV của NPCPEC đã tích cực hưởng ứng với mong muốn chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng vững mạnh để tăng năng suất lao động, phục vụ tốt công tác điều hành, quản lý, sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, Công ty đã thành lập Tổ điều hành về chuyển đổi số và đưa ra kế hoạch chuyển đổi số của doanh nghiệp giai đoạn 2021–2022, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để mỗi người lao động đều nắm vững chủ trương, định hướng của Công ty về chuyển đổi số. Đến nay, NPCPEC đã từng bước củng cố hạ tầng công nghệ thông tin; Trang bị hệ thống mạng, hệ thống tủ rack, máy tính trạm, hội nghị truyền hình, hệ thống máy tính bàn với cấu hình cao phục vụ tốt cho công tác thiết kế hệ thống điện. Ngoài ra, Công ty còn sử dụng phần mềm G8 trong công tác lập dự toán các công trình; Tham gia vận hành vào hệ thống các phần mềm của Tổng công ty như: Phần mềm quản trị hệ thống nhân sự HRMS, phần mềm chi trả tiền lương cho người lao động PayPoll, phần mềm chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ KPIs, phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, phần mềm văn hóa doanh nghiệp, phần mềm văn phòng điện tử Eoffice, …

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên tuyền và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nên 100% CBCNV nắm vững những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình chuyển đổi số của Đơn vị và vai trò của mình trong chuyển đổi số; 100% CBCNV có nhận thức cơ bản về chuyển đổi số, cũng như có thói quen chủ động, sẵn sàng cho chuyển đổi số; Có kỹ năng ứng dụng thông tin cơ bản; Nhận thức rõ được vai trò của an toàn thông tin, các nguy cơ mất an toàn thông tin và biện pháp phòng tránh… NPCPEC phấn đấu đến hết năm 2021, trên 95% CBCNV đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản Quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền Thông.

Riêng trong lĩnh vực Văn phòng, Công ty hiện đang áp dụng triệt để hệ thống văn phòng điện tử E-Office 3.0 phiên bản cuối tới tất cả CBCNV. Quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, lưu trữ văn bản đều đã được thực hiện trên môi trường số. Nhiều ứng dụng văn phòng đã được số hóa và liên kết với E-Office như: Lịch tuần, đăng ký công tác, quản lý công tác… Đến nay, NPCPEC thực hiện 100% phát hành số đối với văn bản đi và văn bản nội bộ, trừ các loại văn bản bắt buộc ký bản giấy theo quy định về công tác Văn phòng của EVN tại Quyết định số 333/QĐ-EVN ngày 9/3/2020; 100% lịch đăng ký công tác, lịch sử dụng phương tiện; Lập hồ sơ danh mục tài liệu… đều được triển khai trên hệ thống E-Office của Công ty.

So với phương thức hoạt động văn phòng truyền thống, E-Office 3.0 mang lại một hệ thống quản lý tập trung có thể dễ dàng quản lý, tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành văn bản điện tử, mở và lưu trữ hồ sơ trên không gian mạng… Từ đó, giúp nâng cao hiệu suất giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian luôn chuyển, phát hành và lưu trữ văn bản. Mặt khác, người quản lý cũng có thể dễ dàng sắp xếp công việc, đồng thời nhắc nhở, đôn đốc và đưa ra ý kiến cho từng nội dung, vì vậy, tiến độ công việc được giám sát, mọi thông tin được truyền tải nhanh chóng, kịp thời.

NPCPEC tích cực chuyển đổi số và ứng dụng KHCN trong mọi mặt hoạt động SXKD.

Bên cạnh đó, NPCPEC cũng đã đồng bộ, nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao độ ổn định mạng hệ thống mạng Lan, mạng Wifi lõi với đường truyền tốc độ cao. Mặt khác, Công ty còn chủ động ứng dụng CNTT trong công tác tư vấn, thiết kế như: Tạo cơ sở hạ tầng mạng đủ mạnh để kết nối các máy tính, người dùng, chia sẻ tài nguyên lưu trữ dùng chung, áp dụng được các chính sách đồng nhất dễ dàng thuận lợi cho người dùng; Đảm bảo hạ tầng để truy cập mạng WAN NPC, Internet đủ mạnh để sử dụng, khai thác các phần mềm/ ứng dụng dùng chung trong Tổng công ty, phục vụ công tác tư vấn và các công tác quản trị.

Đặc biệt, trong công tác thiết kế khảo sát, NPCPEC đã và đang từng bước áp dụng triển khai thiết kế 3D cho công tác phối cảnh, diễn họa tại các công trình trạm biến áp và đường dây 110kV. Đồng thời, ứng dụng các máy như: GPS RTK ComNav T300, máy toàn đạc điện tử LEICA TS06 Plus, máy toàn đạc điện tử Topcon GTS3000, máy GPS Garmin 64S… để đo, vẽ chi tiết bằng phương pháp toàn đạc, đo động thời gian thực RTK, cũng như dẫn chuyền tọa độ nhà nước bằng phương pháp đo GPS tĩnh và dẫn chuyền cao độ nhà nước bằng phương pháp thủy chuẩn kỹ thuật, đường chuyền kinh vĩ…

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp, NPCPEC sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều đề án. Trong đó, đối với “Đề án đầu tư trong công tác khảo sát”, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư 01 bộ máy bay không người lái (UAV) để đáp ứng yêu cầu bay chụp bằng công nghệ LiDAR trên không; 01 máy quét laser scaner đáp ứng quét bằng công nghệ LiDAR mặt đất; 03 bộ máy tính cấu hình chuyên để chuyên sử lý ảnh bay chụp; 02 bộ máy thủy chuẩn điện tử và 01 hệ thống Webgis. Ngoài ra, đối với “Đề án đầu tư trong công tác thiết kế”, Đơn vị cũng sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ thiết kế; Đào tạo quy trình thực hiện BIM và đào tạo phần mềm ứng dụng BIM (BIM Tools)…

Mặt khác, trong lĩnh vực văn phòng, Công ty cũng sẽ chuyển đổi E-Office 3.0 phiên bản cuối sang ứng dụng văn phòng số D-Office được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới, đảm bảo tính mở rộng, tương thích đồng bộ trên Web, Tablet, Smartphone. Song hành với đó, NPCPEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhận thức chuyển đổi số trong CBCNV; Hoàn thành việc rà soát, xây dựng lưu đồ giải quyết công việc; Xây dựng tài liệu mô tả luồng quy trình nghiệp vụ thanh toán điện tử áp dụng cho các hoạt động thường xuyên; Kết nối gửi/nhận trục liên thông văn bản/hồ sơ tài liệu giữa EVNNPC với các đơn vị trực thuộc và ngược lại (trong ngành Điện).

Đặc biệt, Công ty sẽ hoàn thành 100% tác vụ tự sàng lọc, sắp xếp, phân loại, chỉnh lý hoàn chỉnh tài liệu lưu trữ tồn đọng; 100% hồ sơ được số hóa, 100% hồ sơ giấy được chỉnh lý số hóa (trừ mật và đặc thù). Đồng thời, ứng dụng công nghệ Speech-to-text trong xử lý, điều hành công việc….; Tập trung hoàn thành di động hóa các ứng dụng phục vụ CBCNV và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với nền tảng phân tích dữ liệu lớn, tổng hợp và cảnh báo về việc trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản theo lộ trình của EVN.

Với những dấu ấn thay đổi theo hướng tích cực trên lộ trình chuyển đổi số tại NPCPEC, có thể khẳng định, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác quản lý điều hành doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đây là yếu tố then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quyết định đến thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *